Quảng Cáo 720x90
Searching...

Chuyện lạ về ấp săn chuột người Việt ở Campuchia

Cập nhật: Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011 Hiện có: 0 bình luận Tag: , Tác giả:


Cứ nghĩ hàng trăm tấn chuột ấy được nhập về Việt Nam để lên bàn nhậu thành món thịt rừng, hoặc thành patê kẹp trong bánh mì thì thật chua xót.

Cảnh làm chuột ở Chạy Thum.
 
Không ít làng quê ở nước ta có thói quen ăn thịt chuột. Như làng Cổ Dũng (Kim Thành, Hải Dương), cả làng có nghề đi săn chuột đồng bán kiếm sống.

Rồi làng Đình Bảng, người dân đi bắt chuột cả ở cống rãnh Hà Nội cung cấp cho các nhà hàng làm “giả cầy”, cho những bợm nhậu khoái khẩu món thịt chuột. Một số làng ở Hà Tây cũ, rồi Thanh Trì (Hà Nội) cũng ẩm món ăn có phần rùng rợn này.
Tuy nhiên, với những ngôi làng Bắc bộ này, chuyện săn chuột, ăn chuột dường như chỉ là một nét văn hóa còn đọng lại từ xưa mà thôi. Kể cả trong những ngôi làng có truyền thống ăn chuột này, người xơi được thịt chuột cũng không phải nhiều.

Sự chuyên nghiệp trong nghề săn chuột, làm thịt, chế biến chuột phải kể đến một ấp của người Việt bên đất nước Campuchia.

Tôi đã vô tình ghé qua ấp chuyên nhập khẩu chuột về Việt Nam trong chuyến lang thang ra ngoài biên ải và đã phát hiện một sự thật kinh hoàng: Mỗi ngày có cả chục tấn thịt chuột từ Campuchia tuồn về Việt Nam để lên bàn nhậu!

Trong những ngày lang thang ở huyện vùng biên nghèo nàn An Phú (An Giang), tôi có duyên quen biết Tèo “gà”.

Tèo “gà” sống dài ngày trong ngôi nhà nghỉ ở vùng biên. Gã có biệt danh Tèo “gà” là vì gã là một trong những trọng tài uy tín nhất của trường đá gà ngoài biên ải.
Ngoài việc làm trọng tài cho trường đá gà, gã còn kiêm thêm nghề “độ gà”. Những tay chơi gà chuyên nghiệp thường thuê riêng cho chú gà chọi của mình một “huấn luyện viên”.

Tèo “gà” vừa là trọng tài của trường đá gà vừa là huấn luyện viên của một số “chiến kê”. Các ông chủ bỏ rất nhiều tiền, thuê nhà nghỉ cho Tèo ở, để Tèo luyện gà cho họ.

Mỗi con gà, họ đặt cược vào đó cả trăm triệu bạc, thậm chí cả tỷ bạc, nên đó không phải là chuyện chơi đơn thuần.
Chuột lúc nhúc trong lồng trước nhà các gia đình người Việt ở ấp Chạy Thum.
Rồi cũng đến ngày thứ bảy, các đại gia của Sài thành, Tây Đô nghỉ việc cơ quan, họ đánh ôtô với cả bao tiền xuống An Phú, rồi vượt biên sang Campuchia đá gà, cá cược. Tôi được Tèo “gà” cho theo chân.
Chúng tôi cưỡi chiếc thuyền lá lúa vượt sông Bình Di vào lúc mặt trời vừa nhú khỏi tán thốt nốt. Bên này biên giới là cửa khẩu Long Bình, với duy nhất một cái chợ hai tầng có vẻ khang trang, còn bên kia, ngoài mấy ngôi nhà lá, thì chỉ có cái casino trông có vẻ hoành tráng.

Cả cái dãy nhà ô hợp, toàn gái Việt Nam sang bán dâm trông cũng lúp xúp như ổ chuột.

Con thuyền lá lúa không cập ở bến trước cửa khẩu nước bạn, mà xuôi sông về mạn trái. Ngay mép sông có một ấp, toàn nhà lợp lá thốt nốt. Bao bọc ấp là biển cát trắng mênh mông, chỉ lơ thơ có hai thứ cây là bạch đàn và thốt nốt.

Ấp có tên là Chray Thom, nhưng người Việt thì gọi là Chạy Thum cho thuận miệng. Ấp thuộc huyện Cỏ Thum, tỉnh Kandal, Campuchia.
Bên phải ấp là dãy nhà thổ, nằm tênh hênh giữa những đụn cát trắng. Sau ấp là casino hoành tráng và giữa cái ấp này là một trường đá gà lớn chưa từng có.

Mỗi ngày, có cả chục tỷ đồng đổ ra bãi cát để cá cược ăn thua. Có 4 cảnh sát, đi giày cao cổ, quần áo rằn ri, với một khẩu AK, một khẩu súng ngắn đeo lủng lẳng bên hông, đi lại quanh trường đá gà. Họ có mặt ở đây không phải để tóm các con bạc mà để bảo vệ ổ cờ bạc cực lớn này.

Điều đặc biệt mà tôi nhận thấy ở ấp Chạy Thum, đó là 100% dân số trong ấp là người Việt Nam, toàn vượt biên sang đây dựng nhà tạm sinh sống. Tuy nhiên, điều đặc biệt nhất là cả ấp sống, làm giàu bằng nghề săn chuột ở Campuchia.

Nằm ngay đầu ấp là ngôi nhà lợp lá thốt nốt của anh Nguyễn Văn Nhân. Trước sân nhà anh chứa hàng trăm lồng chuột lớn nhỏ, với lúc nhúc chuột bên trong.
Vừa mới sáng sớm, đã thấy một xe tải chuột chở đến, lóc nhóc là chuột lớn, chuột bé. Tính ra, có đến hơn tấn chuột nằm trong sân nhà anh.

Anh Nhân cho biết, ngày nào cũng vậy, rất đều đặn, anh thu mua khoảng 1 tấn chuột, làm thịt, rồi nhập về Việt Nam qua sông Bình Di. Tất nhiên chuyện nhập chuột là nhập lậu, chứ hải quan nào cho nhập thứ thực phẩm ấy.

Tôi dạo quanh ấp và hình dung rằng chuột ở khắp đất nước Campuchia đã đổ về cái ấp nhỏ bé này trước khi nhập vào Việt Nam.

Anh Nhân là một thợ săn chuột chuyên nghiệp. Vợ anh vồ chuột cũng sành không kém. Cả hai vợ chồng đều sinh ra, lớn lên ở “ấp thịt chuột” Phù Dật nổi tiếng nhất xứ Cửu Long.

Bao nhiêu năm nay, vợ chồng anh, rồi cả ấp Phù Dật dắt chó, vác chỉa đi khắp xứ, từ Long An cho đến mũi Cà Mau để săn chuột.

Mấy năm nay, chuột ở miệt miền Tây vãn đi nhiều, họ chuyển kế sinh nhai sang nước bạn Campuchia. Vậy là vợ chồng anh Nhân cùng dân ấp Phù Dật kéo cả sang đất bạn lập nghiệp.
Rồi những thợ săn chuột siêu hạng nhất miền Tây cũng kéo hết sang Campuchia kiếm sống. Họ quần tụ ở ấp Chạy Thum để hành nghề tạo nên một ngôi làng săn và chế biến thịt chuột lớn nhất Campuchia và không chừng lớn nhất thế giới.

Có một điều khá đặc biệt, những người hành nghề săn chuột có thể thoải mái đi lại trên đất Campuchia mà không cần phải có một loại giấy tờ hay chi phí gì.

Cảnh sát, biên phòng nước bạn, cứ nhìn thấy người Việt Nam dắt chó, vác chỉa, đeo theo lồng, giỏ thì không bao giờ hỏi giấy tờ, gây khó dễ gì cả. Họ coi những người này như những “chiến binh diệt chuột tình nguyện”.

Anh Nhân nói vui: “Không chừng một ngày nào đó, Quốc vương xứ Nam Vang này còn tặng huy chương vì sự nghiệp diệt chuột cho tớ cũng nên lắm! Mấy năm nay, vợ chồng tớ đã tiêu diệt giúp nước bạn cả trăm tấn chuột rồi. Cả cái ấp này đã vặt lông, lột da đến hàng ngàn tấn chuột”.
Anh Nhân nói vui vậy, nhưng nghe ra cũng chí lý. Nếu hàng ngàn tấn chuột kia sống sót, chúng gây thiệt hại cho nước bạn không biết bao nhiêu mà kể. Nhưng ngẫm lại, đống chuột ấy được nhập về Việt Nam để lên bàn nhậu thành món thịt rừng, hoặc thành patê kẹp trong bánh mì thì thật chua xót.

Khắp ấp Chạy Thum, đâu đâu cũng thấy những lồng chuột chất thành đống, người người chụm đầu vào nhau làm thịt chuột rất chuyên nghiệp. Cả ấp có đến 300 hộ sống bằng nghề săn bắt, mua bán, chế biến, nhập khẩu thịt chuột.

Mỗi gia đình lại có vài người làm thuê. Nhiều gia đình, như vợ chồng anh Nhân, có tới 15 người làm thuê, với mức lương 2-3 triệu đồng/tháng. Đã có không ít triệu phú nổi lên ở cái ấp kỳ lạ này cũng nhờ cái nghề khá kỳ cục liên quan đến con chuột.

Trong thời gian lang thang ở ấp thịt chuột xứ Nam Vang, tôi nhận thấy có một chuyện rất ý nghĩa: hàng chục cô gái từng bỏ đồng ruộng nước nhà đi buôn phấn bán hương xứ người, hiện cũng đã trở thành những thợ mổ chuột, làm thịt chuột rất thiện nghệ, với mức thu nhập không cao bằng nghề cũ, nhưng nó lương thiện hơn.

Việc phân công lao động trong ấp rất cụ thể, thành từng nhóm, gồm các nhóm săn chuột, thu mua và làm thịt.

Người dân trong ấp đều là sát thủ diệt chuột siêu hạng. Anh Nhân bảo, cái kiểu đi đặt bẫy của ông “vua chuột” ở Hà Tây cũ để tóm từng con một như báo chí vẫn ca tụng… xoàng lắm.

Không ai ở đây bắt chuột theo kiểu đặt bẫy cả đêm mới tóm được vài con thế. Họ cũng không bắt chuột theo kiểu cho chó đi ngửi từng hang, rồi hun khói, hoặc tát nước đuổi chuột ra ngoài của những thợ săn chuột nghiệp dư xứ Bắc kỳ.
Ba phương pháp bắt chuột nổi tiếng và thường xuyên sử dụng nhất của thợ săn trong ấp gồm: cắm đăng, đặt lọp, dậm cù.

Cắm đăng, đặt lọp giống như bắt cá trên sông, nhưng trên lọp còn phủ một hệ thống chài. Khi phát hiện ra đám cỏ, đám lúa nào có nhiều chuột, họ cắm đăng, đặt lọp ở một phía, rồi vây tròn, dồn chuột vào đăng, vào lọp, vào chài.

Đàn chó cứ xồng xộc chạy xung quanh, đố tên chuột nào dám phá vòng vây chạy ra ngoài. Thế là, đàn chuột nằm gọn trong đăng, trong lọp, không thiếu một tên. Tên chuột nào bạo gan nhảy qua đăng, qua lọp thì chui vào lưới. Chả tên nào thoát được. Đặt lọp một lần có khi chuột dồn vào nhiều đến nỗi nhấc lọp không nổi.





Các chủ đề liên quan

- Liên kết quảng cáo -
QUANG CAO O DAY